BÀI TUYÊN TRUYỀN
HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM LẦN THỨ 4 NĂM 2025
VĂN HOÁ ĐỌC : Một nghệ thuật, một khoa học
“Đọc cũng là một nghệ thuật”. Đó là câu nói của vị lãnh tụ nổi tiếng của giai cấp vô sản: V. I. Lênin. Điều khá lý thú là ngày sinh của một trong những nhà sáng lập chủ nghĩa Mác này lại trùng đúng ngày Bill Gates tới Việt Nam (22 - 4). Hai con người, hai thời đại, hai tuyên ngôn, nhưng ý tưởng và quan niệm của họ về sự tiếp cận tri thức và lĩnh hội các giá trị mà tri thức đem lại là hoàn toàn giống nhau.
Chữ “nghệ thuật” của Lênin dùng trong châm ngôn trên có ý nghĩa gì? Nghệ thuật đọc ở đây chính là biết đọc sao cho hợp lý, khoa học và tích cực nhất (về thời gian, dung lượng và nội dung). Chả có ai trên thế gian này lại có đủ hơi đủ sức mà đọc cho hết tất cả, dù chỉ một số lượng sách trong một lĩnh vực hẹp. Và trước một núi sách, một biển tri thức như vậy, ta sẽ đọc thế nào đây? Mỗi ngày một cuốn sách. 360 ngày, vị chi 360 cuốn. Ngay số lượng này thôi chắc gì chúng ta đã đọc nổi? Đó cũng chỉ là con số quá “khiêm tốn” so với 20 ngàn đầu sách một năm.
Muốn biết đọc trước hết phải ham đọc. Bởi đọc là một sở thích nhưng cũng là công việc đầy nặng nhọc. Nhiều người đọc để giải trí, một thú vui. Song, đọc không phải là một trò chơi nếu ta muốn phấn đấu thành tài. Chỉ khi chúng ta coi việc đọc như một say mê tự thân, ta mới dám vượt khó, mới ham đọc và mới hiểu hết những tri thức nằm trong sách vở. Có nhiều tri thức phải qua bao nhiêu “cửa” ta mới có cơ hội hiểu hết, “thẩm thấu” và biến thành tri thức của riêng mình. Đọc, xét cho cùng là một công việc gian nan, đầy lao lực, phải có kinh nghiệm và phải được trang bị một tri thức nền cần có. Vào các thư viện lớn ở Hà Nội hay các thành phố khác ở nước ta bây giờ (Thư viện Quốc gia VN, Thư viện Thông tin KHKT, Thông tin KHXH, Thư viện Hà Nội, Thư viện TP. Hồ Chí Minh… ) chúng ta cũng thấy có một số lượng người đọc không nhỏ. Nhưng thử làm một cuộc điều tra xã hội học nhỏ, ta cũng thấy số người đọc vì ham thích hoặc vì say mê khoa học không nhiều. Nhìn đi nhìn lại cũng chỉ một số gương mặt. Trong khi đó, số độc giả “đọc gạo” (đọc để thi, đọc để hoàn tất một chứng chỉ, đọc để làm xong một việc nhất thời nào đó rồi bỏ… ) lại chiếm số đông. Không tạo cho mình một thói quen máu thịt với việc đọc thì chẳng chóng thì chầy, ta cũng sẽ mải mê với những ham thích khác mà bỏ qua việc đọc. Có chăng, chỉ là một sự “đọc xổi” mà thôi.
Trong buổi giao lưu với sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội 23-4 vừa rồi, Bill Gates đã khuyên các bạn sinh viên là “phải biết đầu tư thực sự cho học vấn của mình. Phải biết học để bắt kịp thời đại”. Chính ông nói rằng hồi còn nhỏ, bố mẹ ông đã không tiếc tiền mua sách và ông đã say sưa đọc quên ăn, quên ngủ (điều mà ngay cả học trò Mỹ cùng lứa Bill cũng ngạc nhiên). Bí quyết mà ông tiết lộ là phải có óc tò mò, ham tìm tòi, học hỏi. Chính nhà bác học A. Einstein cũng từng khuyên lớp trẻ là “ ...phải biết ngạc nhiên từ những điều mà tưởng chừng không đáng ngạc nhiên”. Muốn vậy, ta phải bình tĩnh tìm trong sách vở. Chỉ có sách vở và những câu chữ nằm trên giấy mới giúp chúng ta thu nhận kiến thức hệ thống nhất, sâu sắc nhất để từ đó, chúng ta nâng cao trí tưởng tượng của mình. Chính óc tưởng tượng sẽ chắp cánh cho chúng ta có cơ hội bay cao, bay xa.
Văn hóa đọc đã xuống cấp tới mức báo động chưa? Có thể chưa đến “đèn đỏ” đâu, nhưng “đèn vàng” đã cảnh báo một nguy cơ có thể đến. Đó là việc chểnh mảng và thiếu nhiệt huyết trong việc đọc. Thanh niên ta bắt đầu lười đọc và đọc thiếu nghiêm túc. Ngày 23-4 là ngày mà UNESCO chọn là Ngày đọc sách thế giới. Hãy tự tìm và trau dồi cho mình thói quen đọc đi bạn. Vào mạng đọc “ảo” và ngồi bàn đọc sách đều tốt cả. Thời đại thông tin dạy chúng ta phải biết tận dụng cơ hội và nắm bắt thời cơ. Vậy công nghệ hiện đại giúp chúng ta nối dài cánh tay mình. Chúng sẽ hỗ trợ cho nhau nếu chúng ta biết kết hợp hài hòa nhu cầu đọc đang có trong cuộc sống. Cái gì cũng cần có chừng mực bạn ơi. Thái quá như bất cập mà!
HỌC SINH TRƯỜNG TIỂU HỌC KIM LIÊN THI ĐUA ĐỌC SÁCH HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM LẦN THỨ 4 NĂM 2025