DẠY HỌC THEO HƯỚNG GIÚP HỌC SINH LỚP 4+5 TIẾP CẬN VỚI PHƯƠNG PHÁP HỌC VÀ GHI BÀI CỦA HỌC SINH LỚP 6
I. Thực trạng
1. Đối với lớp 4 + 5
a, Giáo viên
Giáo viên đã có nhận thức đúng đắn về chất lượng giáo dục, đã chú ý dạy theo đối tượng HS, CKTKN, đổi mới PP giảng dạy để nâng cao chất lượng. Song bên cạnh đó còn một số GV chưa có PP dạy học phù hợp, còn làm thay HS, sợ HS không hiểu nên GV còn nói nhiều, chưa chú ý khắc sâu kiến thức và chưa hướng cho HS tự ghi những kiến thức trọng tâm của bài. Thường GV giảng, HS nghe sau đó cuối buổi học GV mới dành ít thời gian nhất định cho HS ghi bài. Đây chính là hạn chế trong PP dạy học của GV, chưa tạo cho HS PP tự học, tự nghe và tự ghi chép.
- Ở lớp 4+5 mỗi lớp được giao cho một GV chủ nhiệm và dạy hầu hết số tiết Toán, TV (kể cả T, TV tăng) để đảm bảo chất lượng và một số môn KH, LS - ĐL, còn lại môn Â.N, MT, TD,... thì có GV dạy chuyên. Như vậy trong một buổi học thì GVCN phải thực hiện đúng chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định nhưng lại được phép thực hiện một cách linh hoạt các nội dung bài học cho phù hợp với đối tượng HS. Như vậy GV được chủ động hơn trong việc cụ thể hóa phân phối chương trình, xây dựng KHDH cho phù hợp đối tượng HS (nhất là các tiết dạy buổi 2). Đồng thời với một cô giáo dạy một lớp trong cả một năm thì GV sẽ nắm chắc đặc điểm, sự tiếp thu của HS, tính cách, hoàn cảnh gia đình của HS và có điều kiện chăm lo một cách tỉ mỉ cho HS. Trong thực tế GV đã vận dụng thời gian dư thừa của các tiết học khác (VD: Đạo đức, KT,...) hoặc thời gian chuyển tiết để giúp đỡ các em chưa hoàn thành yêu cầu của bài.
b, Học sinh
So với việc học chương trình SGK cũ thì hiện nay các em đã mạnh dạn hơn, biết bày tỏ ý kiến, biết hợp tác trong học tập song những hoạt động đó diễn ra chưa thường xuyên, các em chưa linh hoạt trong việc nắm bắt kiến thức, hầu như các em chưa biết chắt lọc kiến thức, chưa xác định được ý chính, phần trọng tâm để có ý thức tự ghi nhớ và ghi lại các kiến thức trọng tâm trong từng bài học. Ở Tiểu học nội dung kiến thức đơn giản; nhẹ nhàng, các văn bản của TV ngắn gọn. Các em được các cô giảng giải rất kĩ, được cô hướng dẫn ghi bài cẩn thận (khi nào cô yêu cầu viết bài vào vở mới được viết); HS viết nắn nót nghe cô đọc hoặc nhìn bảng chép. Chính vì vậy việc ghi bài của HS diễn ra chậm và có sự hướng dẫn của GV, các em chưa có thói quen tự ghi bài.
2. Đối với lớp 6
- Khi lên lớp 6 HS được học nhiều thầy cô giáo với nhiều môn học khác nhau (mỗi thầy cô phụ trách một môn), mỗi thầy cô lại có phong cách cũng như PP dạy học riêng và thời lượng quy định là 45phút/1tiết học nên việc thực hiện chương trình của từng môn/tiết là không thay đổi vì hết 45phút HS phải chuyển sang môn khác với thầy cô giáo khác. Như vậy nếu như trong 45 phút ấy có HS chưa hiểu bài, chưa ghi được bài GV cũng không thể kéo dài thời gian để giảng giải tỉ mỉ cho HS được. Các thầy cô ít có điều kiện quan tâm giúp đỡ từng HS như ở Tiểu học. Đồng thời đa số GV còn nặng về dạy kiến thức, ít chú ý rèn kĩ năng cho HS.
- Ở lớp 6 phần lớn chưa được học 2buổi/ngày; các em phải vừa nghe vừa giảng vừa hoạt động học tập vừa tự ghi bài nên các em gặp nhiều khó khăn trong học tập. Các em mới làm quen với cách học ở cấp 2 nên tốc độ học còn chậm, HS phải làm quen với cách kiểm tra miệng bằng cách học thuộc, bài tập không có chỗ điền sẵn mà phải viết thành văn bản đối với phân môn TLV nên cách viết chưa thuần thục, cách trình bày diễn đạt còn kém.... Đây là một sự khác biệt giữa việc dạy học ở lớp 4 + 5 và dạy học ở lớp 6 do đó các em sẽ bỡ ngỡ với cách học này nếu như ở Tiểu học không được làm quen với phương pháp tự học.
Từ thực trạng trên tổ 4 + 5 chúng tôi đã thực hiện chuyên đề đổi mới phương pháp, đổi mới cách dạy và chú ý tiếp cận với cách dạy của cấp trung học cơ sở chủ yếu ở môn Toán và môn Tiếng Việt và một số các môn ít giờ khác nhằm giúp HS từng bước làm quen với cách học, cách ghi bài của lớp 6 góp phần nâng cao chất lượng cho cả 2 cấp học.
II. Giải pháp
1. Môn Toán
1.1. Đối với dạng bài hình thành kiến thức mới:
Ở dạng bài này sau phần VD thường có những quy tắc, kết luận, nhận xét, tổng quát, công thức. Vì vậy GV cần dùng hệ thống câu hỏi dẫn dắt HS tự tìm ra quy tắc, kết luận, nhận xét, và khái quát thành công thức (nếu có, nếu cần)... và hướng dẫn HS ghi lại những quy tắc, kết luận, nhận xét, tổng quát, công thức đó.
VD: Tiết Toán: Giải bài toán về tỉ số phần trăm (dạng 2).
Sau khi HS biết cách tìm giá trị phần trăm của một số thông qua VD cụ thể thì GV sẽ hướng dẫn HS xây dựng công thức tổng quát: Cách tính a% của b (a, b là hai số). Với cách làm như vậy HS sẽ ghi nhớ công thức và áp dụng vào làm BT dễ hơn vì vậy ở tiết này chúng tôi đã cho HS hình thành công thức tổng quát.
1.2. Đối với dạng bài luyện tập:
- Đó là dạng bài củng cố kiến thức đã học ở những tiết gọc trước, HS vận dụng những kiến thức đã học để luyện tập thực hành, hoàn thành các BT trong SGK yêu cầu.
- Ở tiết này trong phần KTBC hoặc quá trình HS làm bài tập GV sẽ chú ý KT lại kiến thức cũ của các em đã ghi nhớ ở những bài trước (VD: Nhắc lại cách tính diện tích hình tam giác, cách tìm tỉ số % của số...) từ đó áp dụng vào BT. Với cách làm như vậy HS sẽ có ý thức ghi cẩn thận và về nhà phải học thuộc quy tắc...
- Khi dạy dạng bài luyện tập GV cần tổ chức các hoạt động cho HS thực hành là chủ yếu, HS sẽ chủ động tiếp cận với các lệnh, các yêu cầu của SGK để tự huy động những kiến thức đã học sau đó hoàn thành các BT.
1.2. Đối với dạng bài ôn tập:
- Sau một chương thường có một số tiết luyện tập chung để củng cố kiến thức của cả chương.
Với dạng BT này GV có thể làm như sau:
+ Cách 1: Cho HS tự tìm hiểu yêu cầu của từng bài toán, định hướng cho HS nhớ lại cách làm rồi tự làm. Sau đó chữa bài, chốt kiến thức hướng HS ghi lại ý chính, cách giải của từng dạng toán.
+ Cách 2: GV dùng hệ thống câu hỏi để HS nêu lại những kiến thức đã học sau đó GV hướng HS ghi lại rồi áp dụng vào làm BT.
2. Đối với môn Tiếng Việt
2.1. Đối với phân môn Luyện từ và câu:
a, Đối với dạng bài mở rộng và hệ thống hoá vốn từ:
Đây là dạng bài nhằm cung cấp, mở rộng, hệ thống hoá vốn từ ngữ cho HS trong từng chủ điểm. Khi dạy dạng bài này, GV hướng dẫn HS làm các BT và giúp các em tìm ra một số từ ngữ của chủ điểm sau đó GV hệ thống hóa, mở rộng vốn từ cho các em. Đồng thời GV cần khắc sâu để HS hiểu nghĩa và ghi lại một số từ ngữ tiêu biểu của mỗi chủ điểm từ đó các em biết cách sử dụng từ ngữ một cách hợp lí trong khi viết văn cũng như trong giao tiếp. GV cần tổ chức tiết dạy dựa trên vốn từ, vốn hiểu biết của HS để phát huy hết khả năng tự học của HS.
VD: Tiết Luyện từ và câu: Tổng kết vốn từ:
Bài tập 1: Yêu cầu HS tự kiểm tra vốn từ của mình bằng cách xếp các từ cho sẵn (tính từ) thành những nhóm từ đồng nghĩa. Nhưng có thể không sử dụng ngữ liệu của BT 1 trong SGK mà có thể tổ chức cho HS tự KT vốn từ bằng cách: Yêu cầu HS tự tìm các từ chỉ màu sắc sau đó tự tìm từ đồng nghĩa vơi từ đó. Với cách làm như vậy GV vừa đảm bảo yêu cầu BT của SGK, vừa đảm bảo việc định hướng cho việc tự học của HS, phát huy được tính tích cực của HS, dạy theo hướng dựa trên vốn từ sẵn có và vốn hiểu biết của các em về từ đồng nghĩa, về từ chỉ màu sắc... với những từ mà HS chưa phát hiện ra thì GV sẽ gợi mở, bổ sung vốn từ cho HS. Sau đó GV hướng dẫn HS rút ra nhận xét về cách sử dụng từ đồng nghĩa phải phù hợp với văn cảnh - HS nhắc lại và tự ghi vào vở.
b, Đối với dạng bài hình thành kiến thức mới:
- Đây là dạng bài cung cấp cho HS những kiến thức về từ và câu thường gồm 3 phần: nhận xét, ghi nhớ và luyện tập.
- Khi dạy dạng bài này GV nên cho HS tự phát huy khả năng, tự xây dựng ngữ liệu (nếu thấy ngữ liệu trong SGK chưa phù hợp vì SGV là viết cho mọi vùng miền nên có thể có những ngữ liệu chưa phù hợp thì GV có thể thay đổi ngữ liệu hoặc định hướng cho HS xây dựng ngữ liệu) hoặc chủ động làm việc với SGK bằng cách các em tự đọc hiểu ngữ liệu sau đó GV dùng hệ thống câu hỏi gợi ý cho HS phân tích và tự rút ra những điểm cần ghi nhớ về kiến thức, GV chốt lại và HS tự ghi ý chính đó vào vở.
VD: Khi dạy bài Từ trái nghĩa qua phần nhận xét, HS rút ra ghi nhớ: Từ trái nghĩa là những từ trái ngược nhau. Sau đó tự ghi vào vở, và ghi một số VD cụ thể.
Như vậy nếu như ở Tiểu học các em có PP học LTVC tốt thì các em có vốn từ phong phú và giúp các em học phân môn TV ở lớp 6 một cách tốt hơn. Đó chính là sự thể hiện mối liên hệ kiến thức cả 2 cấp học.
2.2. Đối với phân môn Tập đọc:
- Đối với lớp 4 + 5 GV cần đặc biệt chú ý rèn cho HS kĩ năng đọc diễn cảm, hiểu văn bản ở mức độ cao hơn lớp dưới. Định hướng cho HS tự nắm được dàn ý của bài, biết tóm tắt đoạn, bài hiểu ý nghĩa của bài, biết phát hiện và bước đầu biết nhận định về giá trị của một số nhân vật, hình ảnh trong các bài đọc có giá trị văn chương (hiểu giá trị nghệ thuật).
Song để tiếp cận với cách học phân môn Văn của lớp 6 thì khi dạy Tập đọc GV cần hướng dẫn tự ghi ý chính của bài vào vở. Định hướng cho HS chuẩn bị bài, đọc lại bài và ghi những từ gợi tả, những câu văn hay, câu văn sử dụng biện pháp nhân hoá, so sánh,.... mà em thích vào sổ tay để làm phong phú vốn từ cho các em. Đặc biệt chú ý rèn cho HS kĩ năng đọc lướt, tóm tắt ý chính bởi đây là một việc làm hết sức quan trọng đối với HS khi các em học phân môn Văn ở lớp 6.
VD: Khi học bài tập đọc: Quang cảnh làng mạc ngày mùa.
Trong bài giảng GV cần toát lên cho HS hiểu quang cảnh làng mạc ngày mùa là một bức tranh làng quê thật đẹp, sinh động và trù phú, thể hiện sự ấm no hạnh phúc của người dân từ đó HS ghi được ý chính vào vở.
Đồng thời qua bài tập đọc này GV giúp HS ghi nhớ một số từ ngữ tiêu biểu được dùng để tả cảnh ngày mùa ở làng quê từ đó các em sẽ vận dụng khi viết văn. Các em phải hiểu tả cảnh về làng mạc ngày mùa thì bao trùm lên toàn cảnh đó là "màu vàng" một màu vàng trù phú và đầm ấm, màu vàng gợi lên sự giàu có, đầm ấm với những ý nghĩa khác nhau. Song mỗi cảnh vật lại được miêu tả với "màu vàng" khác nhau.
VD: Khi tả: lúa dùng từ vàng xuộm
nắng vàng hoe
lá mít, lá chuối vàng ối
rơm, thóc vàng giòn
gà, chó vàng mượt
Với cách khắc sâu như vậy HS sẽ ghi nhớ và vận dụng linh hoạt khi viết văn tả cảnh, tránh được những lỗi sai về dùng từ, đặt câu.
2.3. Đối với phân môn Tập làm văn: Dạng văn miêu tả kiểu bài tả cảnh. Với mỗi dạng bài GV lớp 5 cần chú ý chốt kiến thức và định hướng và đổi mới PP dạy học như sau:
VD1- Đối với dạng cho HS tìm hiểu các đoạn văn hoặc bài tả cảnh để HS nắm được cấu tạo của một đoạn văn, bài văn tả cảnh. Sau đó học tập được cách viết một đoạn văn, một bài văn tả cảnh. Ở dạng văn này GV cần khắc sâu cho HS:
+ Xác định được đúng đối tượng miêu tả trong bài văn, đoạn văn để tránh lạc đề khi viết văn.
+ Xác định nội dung của đoạn văn, bài văn đó.
+ Trình tự miêu tả là gì? Theo trình tự thời gian hay không gian, hay tả từng bộ phận của cảnh?
+ Cách viết câu mở đoạn, kết đoạn hoặc mở bài, kết bài.
+ Cách liên kết câu trong đoạn, cách liên kết đoạn trong bài....
+ Cách sử dụng từ ngữ, hình ảnh, các biện pháp nghệ thuật hay sự liên tưởng thú vị... mà nhà văn đã sử dụng trong bài.
+ Từ đó rút ra được cấu trúc của đoạn văn hay một bài văn tả cảnh.
Sau đó HS tự ghi vào vở cấu tạo của bài văn tả cảnh.
VD2: Đối với dạng quan sát lập dàn ý: Dạng này thường là HS chuẩn bị trước ở nhà nhưng GV cũng đặc biệt quan tâm, chú ý đến việc dặn dò HS. GV nên hướng dẫn cho HS cách quan sát, cần quan sát những gì, lưu ý các em cần xác định đúng yêu cầu trọng tâm của đề bài để quan sát đúng đối tượng miêu tả. Khi quan sát cần chú ý tất cả các giác quan để cảm nhận, cần lựa chọn những đặc điểm nổi bật của cảnh, sử dụng những từ ngữ gợi cảm, gợi tả, sử dụng những biện pháp nghệ thuật như: so sánh, nhân hoá, so sánh và nhân hoá hay liên tưởng làm cho cảnh vật sinh động hơn, gần gũi gắn bó với con người hơn. Sau đó ghi vào vở chuẩn bị bài những điều đã quan sát được để có ý chính chuẩn bị cho bước lập dàn ý tại lớp.
3. Các môn học khác (Khoa học; Lịch sử và Địa lí)
- Dựa vào TKB, HS tự nghiên cứu, đọc nội dung trong SGK, chuẩn bị bài trước khi đến lớp bằng cách đọc và trả lời các câu hỏi cuối bài. Chuẩn bị các đồ dùng, các tài liệu có liên quan đến nội dung bài học (dưới sự nhắc nhở, hướng dẫn của GV ở cuối tiết học trước) bắng cách tra trên mạng, trong các tài liệu sách báo đã được đọc, được nghe.
- Trong tiết học, HS tích cực, chủ động tham gia vào các hoạt động cùng với các bạn dưới sự điều khiển, tổ chức của GV và của TBHT.
- Ghi chép những nội dung quan trọng của tiết học mà GV nhấn mạnh hoặc ghi trên bảng vào vở của mình.
Kim Liên, ngày 01 tháng 4 năm 2025
Người đăng bài

Vũ Thị Oanh