TƯ VẤN VỀ PHÒNG TRÁNH CÁC TỆ NẠN XÃ HỘI
TRONG HỌC ĐƯỜNG
1. Tệ nạn xã hội là gì?
Tệ nạn xã hội là một hiện tượng tiêu cực, thể hiện qua những hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức và pháp luật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội.
Các tệ nạn xã hội phổ biến hiện nay:
- Tệ nạn ma tuý.
- Tệ nạn mại dâm.
- Tệ nạn cờ bạc.
- Tệ nạn mê tín, dị đoan.
- Tệ nạn rượu bia.
Các biểu hiện của tệ nạn xã hội ở lứa tuổi học sinh tiểu học bao gồm:
- Hành vi bạo lực học đường
+ Hay đánh nhau với bạn.
+ Chèn ép, bắt nạt bạn yếu hơn; có lời nói thô tục, xúc phạm người khác.
- Gian lận trong học tập, thi cử.
- Nghiện game.
- Hành vi sai trái:Nói dối thường xuyên; ăn cắp đồ của bạn bè, của trường.
- Ứng xử thiếu văn hoá: Không tôn trọng thầy cô; phá phách tài sản chung.
Bản chất của tệ nạn xã hội là đi ngược lại các giá trị xã hội chủ nghĩa, phá hoại thuần phong mỹ tục và đạo đức. Những hành vi này không chỉ ảnh hưởng đến các nhân mà còn tác động tiêu cực đến gia đình và cộng đồng.
2. Nguyên nhân dẫn đến tệ nạn xã hội trong học đường.
- Gia đình thiếu sự quan tâm khiến các em dễ bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội.
- Gia đình đặt quá nhiều kỳ vọng và gây áp lực về kết quả học tập cũng khiến các em dễ sa lầy vào con đường tệ nạn. Trong trường hợp này, các em thường gian lận thi cử, tìm đến game online để giải tỏa cảm xúc.
- Gia đình quá bao bọc, không trang bị cho các em kiến thức và kỹ năng sẽ khiến cho các em dễ bị lôi kéo, dụ dỗ. Thay vì cấm đoán và bao bọc, nên nâng cao nhận thức để các em có thể tự bảo vệ bản thân trước những cạm bẫy trong cuộc sống.
- Nhà trường quản lý lỏng lẻo khiến bạo lực học đường, gian lận thi cử,… liên tục xuất hiện trong môi trường giáo dục.
- Cách giáo dục quá nghiêm khắc, cứng nhắc cũng là nguyên nhân gia tăng tệ nạn xã hội. Ở độ tuổi học đường, các em rất nhạy cảm với những lời phê bình, chỉ trích. Kết quả là không ít em tìm đến game online hay phá phách để chống đối lại người lớn.
- Ảnh hưởng của sách báo, truyện tranh bạo lực, đồi trụy,… cũng góp phần làm gia tăng tỷ lệ tệ nạn xã hội trong học đường.
- Công tác quản lý xã hội ở một số địa phương còn chưa nhất quán và lỏng lẻo khiến các đối tượng xấu trà trộn, dụ dỗ các em vào tệ nạn.
3. Hậu quả của tệ nạn xã hội với học sinh tiểu học
Tệ nạn xã hội học đường ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thể chất, và sức khỏe tâm thần của các bạn học sinh. Khi tham gia các tệ nạn xã hội, bạn sẽ gặp phải những tác hại nghiêm trọng sau:
- Sức khoẻ bị ảnh hưởng: Làm cơ thể yếu đi, dễ mắc bệnh.
- Nhân cách biến đổi: Tính cách sẽ dần thay đổi; khó kiểm soát hành vi của bản thân; mất đi sự trong sáng, ngay thẳng vốn có.
- Mối quan hệ xã hội: Mất đi sự tin tưởng từ gia đình và bạn bè; bị coi là "trẻ hư", khó được mọi người yêu mến; gặp khó khăn trong việc học tập và phát triển.
- Tương lai bị ảnh hưởng: Các hành vi sai trái có thể dẫn đến vi phạm pháp luật; cơ hội phát triển bị hạn chế; mất đi niềm tin và ước mơ của bản thân.
4. Cách phòng chống tệ nạn xã hội:
* Về phía gia đình, nhà trường
- Giáo dục trẻ về hậu quả của các tệ nạn xã hội (cờ bạc, gian lận, mại dâm, ma túy, nghiện game,…).
- Dạy trẻ về cách bảo vệ bản thân ngay từ khi còn nhỏ. Khi trẻ chuẩn bị bước vào tuổi dậy thì, cần giáo dục giới tính và đề cập đến hậu quả của quan hệ tình dục sớm.
- Nên rèn luyện cho trẻ tính cách mạnh mẽ, dũng cảm, đồng thời nuôi dưỡng trong con tình yêu thương, sự chia sẻ, đồng cảm với tất cả mọi người.
- Gia đình nên giáo dục con cái nghiêm khắc nhưng cũng cần sự mềm mỏng và linh hoạt để con luôn chia sẻ với bố mẹ khi gặp khó khăn. Ngoài ra, gia đình cũng nên dành thời gian trò chuyện và giải đáp những thắc mắc của con.
- Tránh kỳ vọng và tạo áp lực quá lớn cho trẻ. Hãy để con được học tập đúng khả năng của mình, đồng thời nên khuyến khích con phát triển năng khiếu và học thêm các lớp kỹ năng sống để dạn dĩ, mạnh mẽ hơn.
- Khi bắt đầu sử dụng internet, gia đình cần quản lý sát sao để đảm bảo trẻ chơi game, đọc sách báo và phim ảnh phù hợp với lứa tuổi. Ngoài ra, cần quy định cụ thể thời gian sử dụng máy tính để tránh tình trạng trẻ nghiện game online.
- Cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường của con cái.
* Làm thế nào để học sinh tiểu học tự phòng chống tệ nạn xã hội trong học đường?
- Luôn chia sẻ mọi chuyện với cha mẹ; tâm sự về những điều các bạn gặp phải; nhờ sự hướng dẫn và bảo vệ từ gia đình.
- Tập trung vào việc học, phát triển năng lực bản than, xây dựng ước mơ và mục tiêu tương lai.
- Chọn bạn chơi đúng đắn: Kết bạn với những bạn học ngoan, hiền lành; tránh xa bạn bè có hành vi xấu; biết từ chối những lời rủ rê không tốt.
- Rèn luyện cảm xúc: Học cách kiểm soát cảm xúc; hiểu và tôn trọng quy tắc đạo đức..
- Tích cực tham gia các hoạt động bổ ích: Hoạt động ngoại khóa; câu lạc bộ sở thích; các hoạt động cộng đồng.
- Nói KHÔNG đúng lúc: Kiên quyết từ chối những điều sai trái; không ngại ngùng khi bảo vệ bản than; báo cho thầy cô, cha mẹ nếu gặp điều không hay.
Tệ nạn xã hội không chỉ là vấn đề của gia đình và nhà trường, mà là nỗi lo chung của toàn xã hội, phải có sự chung tay phối hợp với trách nhiệm cao thì mới bài trừ, ngăn chặn được. Song quan trọng nhất là bản thân mỗi học sinh phải xây dựng cho mình bản lĩnh vững vàng, trước hết cần nhận thức đầy đủ về vấn đề tệ nạn xã hội, có tinh thần hướng thiện, tập trung vào việc học tập rèn luyện; kiên quyết nói không với những cám dỗ, rủ rê của những bạn bè xấu.
Đại diện tổ tư vấn
Vũ Thị Hương